Bối cảnh Trận_Ipsus

Sau khi cuộc chiến tranh Diadochi lần thứ hai kết thúc (315 TCN), Antigonos Monophthalmos đã nắm quyền cai trị các vùng lãnh thổ ở châu Á của đế quốc Macedonia (Tiểu Á, Syria và các satrap rộng lớn ở phía đông) mà không gặp phải trở ngại nào. Sự hùng mạnh ngày càng tăng của Antigonos đã tạo ra mối đe dọa cho những người kế thừa khác, điều này đã dẫn đến sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Diadochi lần thứ ba vào năm 314 TCN, trong cuộc chiến này Antigonos đã phải đối mặt với một liên minh của Cassander (người cai trị của Macedonia), Lysimachus (người cai trị của Thrace) và Ptolemaios (người cai trị của Ai Cập). Cuộc chiến tranh này kết thúc bằng một thỏa hiệp hòa bình vào năm 311 TCN, sau đó Antigonos đã tấn công Seleukos, người vốn đang cố gắng xây dựng chính quyền riêng dành cho mình ở các satrap phía đông của đế quốc. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh Babylon kéo dài từ năm 311-309 trước Công nguyên, và kết quả của nó là một thất bại dành cho Antigonos, không những vậy điều này còn cho phép Seleukos giành lại được quyền cai trị Babylon và toàn bộ các vùng lãnh thổ ở phía đông.

Vương quốc của các Diadochi trước trận Ipsus, 303 TCN.

Tranh thủ lúc Antigonos đang bị phân tâm ở nơi khác, Ptolemaios đã mở rộng quyền lực của ông ta vào khu vực biển Aegean và tới đảo Síp. Vì thế Antigonos đã lại tiếp tục cuộc chiến tranh với Ptolemaios vào năm 308 trước Công nguyên, bắt đầu cuộc chiến tranh Diadochi lần thứ Tư. Antigonos đã ra lệnh cho con trai của ông là Demetrios phải giành lại được quyền kiểm soát Hy Lạp, vào năm 307 trước Công nguyên, ông ta đã chiếm được Athens, đánh đuổi Demetrios của Phaleron, vị thống đốc của Cassander, và tuyên bố rằng thành phố này được tự do một lần nữa. Demetrios sau đó đã hướng sự chú ý của mình đến Ptolemaios, ông ta xâm chiếm đảo Síp và đánh bại hạm đội của Ptolemaios tại trận Salamis ở Cyprus. Sau chiến thắng này, Antigonos và Demetrios đều tự xưng là vua, và chỉ một thời gian ngắn sau đó đến lượt Ptolemaios, Seleukos, Lysimachos và cuối cùng là Cassander cũng làm như vậy.

Vào năm 306, Antigonos đã cố gắng xâm chiếm Ai Cập, tuy nhiên các cơn bão đã ngăn cản hạm đội của Demetrios tiếp tế cho ông ta và buộc ông ta phải rút quân. Với việc cả Cassander và Ptolemaios đều đã suy yếu, trong khi Seleukos lại vẫn đang dồn hết tâm trí vào việc thiết lập sự thống trị của ông ta đối với toàn bộ khu vực phía Đông, Antigonos và Demetrios giờ đây hướng sự chú ý của họ tới Rhodes, vốn đang bị quân đội của Demetrios bao vây vào năm 305 TCN. Hòn đảo này còn nhận được quân tiếp viện đến từ Ptolemaios, Lysimachos, và Cassander. Sau cùng thì người Rhodes cũng đã đạt được một thỏa hiệp với Demetrios - họ sẽ ủng hộ Antigonos và Demetrios chống lại tất cả kẻ thù, ngoại trừ đồng minh Ptolemaios của họ. Ptolemaios đã có được tước hiệu Soter ("Vị cứu tinh") nhờ vào vai trò của ông trong việc giúp cho Rhodes thoát khỏi sự thất thủ, tuy nhiên chiến thắng cuối cùng lại thuộc về Demetrios, bởi vì nó đã giúp cho ông rảnh tay để tấn công Cassander ở Hy Lạp. Do đó Demetrios đã quay trở lại Hy Lạp và tiến hành giải phóng các thành bang Hy Lạp, ông ta đã đánh đuổi những đội quân đồn trú của Cassander và những phe phái ủng hộ nhà Antipatros.

Nhận ra rằng những gì mà Demetrios đang thực hiện là để nhằm hủy hoại quyền lực của mình ở Hy Lạp và sau cùng là ở Macedonia, Cassander đã cố gắng để đi đến thỏa hiệp với Antigonos. Tuy nhiên, Antigonos đã bác bỏ tất cả những đề xuất này, mục đích của ông ta là nhằm ép buộc Cassander phải đầu hàng vô điều kiện. Vì vậy Cassander đã tiến hành hội đàm với Lysimachos, và họ đã đạt được sự đồng thuận về một chiến lược chung bao gồm việc phái sứ thần tới chỗ Ptolemaios và Seleukos, đề nghị họ cùng tham gia chống lại mối đe dọa đến từ nhà Antigonos. Để giành lấy thế chủ động, Cassander đã phái một đạo quân lớn dưới quyền Prepelaus tới chỗ Lysimachos để cùng phối hợp tác chiến ở Tiểu Á. Trong khi đó, Cassander đưa số quân còn lại đến Thessaly để đối đầu với Demetrios.